TRÁCH NHIỆM ĐIỀU HÀNH

Dù Bộ Công thương đã trấn an về việc đảm bảo tổng nguồn cung trong thời gian tới, cũng như tăng gần 1.000 đồng/lít để giúp ổn định tình hình, nhưng sau kỳ điều hành ngày 11-2 vừa qua, lượng xăng dầu bán ra từ các doanh nghiệp đầu mối, phân phối vẫn khá "nhỏ giọt", doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn đang "oằn mình" khi đang lỗ khoảng 500 - 700 đồng/lít. 

Còn người dân cũng phải chấp nhận túi tiền vốn eo hẹp do dịch bệnh càng hao hụt thêm.

Thiếu hụt nguồn cục bộ do sự "đứt gãy" cung ứng từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn được xem là xuất phát điểm, cộng thêm mức giá bán lẻ chưa theo kịp với giá cơ sở, trong bối cảnh nguồn cung thế giới căng thẳng và những biến động mạnh của giá thế giới... khiến thị trường xăng dầu trong nước rơi vào "vòng xoáy" khan hàng, tăng giá, doanh nghiệp đóng cửa vì thua lỗ.

Cung cầu thị trường và giá cả với một mặt hàng được xem là chiến lược, đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến an ninh năng lượng quốc gia, phải đối diện với không ít thách thức và bị đe dọa trong việc đảm bảo nguồn cung và giữ ổn định, trật tự lành mạnh của thị trường.

Đây là điều không thể chấp nhận trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu trong nước mà theo Bộ Công thương đã khẳng định là tự chủ được đến 70 - 80% nhu cầu.

Việc để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Bộ Công thương, nên yêu cầu bộ này phải chủ động bám sát tình hình thực tiễn, sát sao hơn trong chỉ đạo điều hành để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, đảm bảo không thể thiếu hụt xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

"Trách nhiệm trong điều hành" cũng đã được mổ xẻ liên tiếp trong nhiều ngày qua, nhưng sau câu chuyện trách nhiệm, các bộ sẽ hành động ra sao khi thị trường xăng dầu vẫn chưa thực sự ổn? 

Nỗi bất an và nguy cơ về "hiệu ứng domino đóng cửa" hay thậm chí là "găm hàng, tăng giá", làm thị trường nhiễu loạn trước mỗi chu kỳ điều chỉnh giá là hoàn toàn có thể diễn ra. Thực tế này đặt yêu cầu lớn hơn cho cơ quan quản lý.

Vì vậy, cần hơn hết, trước hết là việc phải nâng cao hơn nữa năng lực dự báo, đánh giá tình hình thế giới, trong nước, cung cầu thị trường, giá cả… để có cơ sở đưa ra những phương án điều hành chủ động, linh hoạt, chặt chẽ và khoa học hơn. 

Đó là những việc mà hai cơ quan có trách nhiệm là liên bộ Công thương - Tài chính cần phải rà soát, đánh giá lại những mặt được, chưa được trong điều hành, có sự phối hợp nhịp nhàng và thống nhất hơn trong điều hành, phù hợp với diễn biến thế giới và điều kiện thị trường của Việt Nam.

Xăng dầu là mặt hàng đã liên thông với thế giới cả về nguồn cung và giá cả, nhưng được vận hành trong một nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. 

Nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân là "bất di bất dịch", nhưng một mặt hàng mà các yếu tố thị trường khách quan tác động lớn, thì việc tuân thủ và tôn trọng các yếu tố thị trường là rất cần thiết. 

Khi thị trường đủ điều kiện, cũng nên tính đến việc rút ngắn hoặc xóa bỏ chu kỳ điều hành giá, gắn với việc đưa ra các công cụ can thiệp phù hợp của Nhà nước để đảm bảo linh hoạt, theo sát diễn biến giá thế giới và thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn.

Thêm nữa, khi nguồn cung xăng dầu hiện đang phụ thuộc nhiều vào hai nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn và Dung Quất (Bình Sơn), tức là Nhà nước đã "trao" quyền cho các nhà máy này để ưu tiên sử dụng, tiêu thụ xăng dầu tại thị trường nội địa. 

Tuy nhiên, cũng cần đặt ra trách nhiệm lớn cho các nhà máy lọc hóa dầu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 

Không thể tiếp tục để tình trạng khi khó bán thì muốn hạn chế nhập khẩu, còn khi cần cơ chế lại "đỏng đảnh" đòi giảm công suất. Bởi đây là chuyện không thể chấp nhận được với những doanh nghiệp đã nhận được rất nhiều ưu đãi và có vai trò góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nguồn: Ngọc An_Báo Tuôitre

Liên kết mạng

Back To Top
0905 203 706